Trung Quốc xây các “thành phố bọt biển” ứng phó với biến đổi khí hậu
Cuối tháng 11, Hội đồng Nước và Tổ chức Phát triển Kinh tế Wisconsin (WEDC) sẽ phối hợp tổ chức các hội thảo về nước tại hai thành phố Nam Kinh và Bắc Kinh của Trung Quốc. Dự kiến, các hội thảo này sẽ thảo luận về việc ứng dụng các công nghệ nước tiên tiến để đối phó với lũ lụt do biến đổi khí hậu. Sự kiện này đánh dấu một trong những lần hợp tác đầu tiên của Mỹ và Trung Quốc trong sáng kiến “thành phố bọt biển”.
Trung Quốc xây dựng các công trình có khả năng lưu trữ nước để đối phó với biến đổi khí hậu
Được giới thiệu lần đầu vào năm 2015, “thành phố bọt biển” là chương trình tìm kiếm các thiết kế cơ sở hạ tầng có khả năng hấp thụ nước lũ như những miếng bọt biển nhằm ứng phó với lũ lụt. Đồng thời, chương trình cũng hướng tới mục tiêu 80% đô thị ở Trung Quốc đại lục sẽ tái sử dụng 70% lượng nước mưa vào năm 2020.
Có 30 thành phố đã ký thỏa thuận triển khai sáng kiến này và nhận được hơn 12 tỷ USD tài trợ. Trong đó, Thượng Hải dự kiến sẽ xây dựng “thành phố bọt biển” lớn nhất cả nước.
Chính quyền thành phố Thượng Hải đã quyết định đầu tư 119 triệu USD cho Lâm Cảng – một khu dân cư đã được quy hoạch ở quận Phố Đông để phát triển “thành phố bọt biển”. Đáng chú ý trong số các công trình “bọt biển”, Lâm Cảng có các vùng đất ngập nước để lưu trữ nước mưa, những khu vườn trên mái nhà và đường sá có khả năng hấp thụ nước, giữ lại các dòng chảy mỗi khi có bão.
Ông Mark R. Hogan, Giám đốc điều hành WEDC cho biết: "Giúp Trung Quốc giải quyết một số thách thức về nước không chỉ mang lại lợi ích cho người dân địa phương mà còn mở ra những cơ hội mới cho hơn 200 công ty có trụ sở tại Wisconsin trong lĩnh vực công nghệ nước."
Liên Hương
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận