Thống đốc NHNN: Lãi suất cho vay hiện chỉ bằng 40% năm 2011

80% vốn đổ vào lĩnh vực SXKD

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 17/05 tại Hà Nội, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng mức chênh lệch trên là sức ép và rủi ro rất lớn về chênh lệch kỳ hạn của các tổ chức tín dụng (TCTD).

“Hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm khoảng 53%-55% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng, trong khi vốn huy động trung và dài hạn chỉ chiếm khoảng 13-14%. Đây là sức ép và rủi ro rất lớn về chênh lệch kỳ hạn của các TCTD”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Tuy nhiên, để duy trì được nguồn vốn đầu tư ổn định, NHNN vẫn đang cho phép các TCTD sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của DN. Trong khi lẽ ra nguồn vốn trung và dài hạn của DN cần phải huy động từ TTCK, thị trường vốn, nhưng do điều kiện đặc thù của thị trường tài chính của Việt Nam nên các kênh cung ứng vốn vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng.

NHNN vẫn đang cho phép các TCTD quyết định cho vay vốn ngoại tệ đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước để thực hiện các phương án SXKD của DN. Các DN có nhu cầu sử dụng ngoại tệ được tiếp tục vay vốn trong SXKD những lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ.

Theo Thống đốc, thực hiện Nghị quyết 35 của Chỉnh phủ, hệ thống các tổ chức tín dụng và NHNN đã tập trung vào các vấn đề cụ thể về điều hành tín dụng và cung ứng vốn cho nền kinh tế và cho DN.

NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với việc kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung ứng khoảng 40% vốn đầu tư cho nền kinh tế, chủ yếu nguồn vốn cho nền kinh tế vẫn đến từ hệ thống ngân hàng, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng 80%. Trong đó, tín dụng trong khu vực nông nghiệp và nông thôn chiếm gần 20% tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng; tín dụng đối với DNVVN chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định thời gian qua ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, như cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn theo Nghị đinh 55 của Chính phủ; cho vay đối với phát triển công nghệ sạch, công nghệ cao theo Nghị quyết 30 của Chính phủ. Các ngân hàng đã tích cực tham gia và cho vay với lãi suất thấp hơn so với mặt bằng cho vay chung của các ngân hàng.

“Thời gian qua, hoạt động tín dụng đã đạt được kết quả tương đối tích cực. Tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 18,25%; đến cuối tháng 4/2017 tín dụng đã tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn rất nhiều so với những năm gần đây. Trong đó tín dụng bằng VND tăng 5,8% và tăng 4,6% đối với tín dụng ngoại tệ”, Thống đốc cho biết.

Thống đốc khẳng định thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vốn vào những lĩnh vực sản xuất, những lĩnh vực ưu tiên, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, các dự án có chiều sâu ứng dụng KHCN để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam; các DN sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng CN cao trong SX nông nghiệp, DN khởi nghiệp, DNVVN.

Tuy nhiên, một phần lớn nguồn lực của ngành ngân hàng chưa được khai thông và vẫn đang nằm ở trong các khoản nợ xấu rất lớn và các tài sản đảm bảo chưa được xử lý. NHNN đang trình Chính phủ và Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu để giải phóng các khoản nợ xấu này, nhằm tái tạo nguồn lực, đưa nguồn lực trở lại nền kinh tế, có nguồn vốn cho vay mở rộng phát triển SXKD, tạo điều kiện cho các DN có nợ xấu đã được xử lý được tiếp cận các khoản vay mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp.

Không để tỷ giá biến động

Tại Hội nghị, rất nhiều DN bày tỏ mong muốn được giảm lãi suất cho vay của ngân hàng. Thống đốc cho rằng nhu cầu vốn tín dụng trong phát triển trái phiếu Chính phủ cao đã tạo áp lực lên cung cầu vốn tín dụng. NHNN đã cố gắng giữ ổn định lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay. Lãi suất diễn biến ổn định từ năm 2016 cho đến nay. Từ cuối năm 2016 đến nay các TCTD đã đạt 0,3%-0,5% lãi suất huy động và giảm 0,3-0,5% lãi suất cho vay đối với hoạt động SXKD các lĩnh vực ưu tiên.

“Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay khoảng 6%-11% đối với VND, khoảng 3%-4% đối với ngoại tệ. Mặt bằng này chỉ bằng 40% so với năm 2011 và đang ở mức tương đối hợp lý so với tương quan và bối cảnh nền kinh tế VN so với các nước khu vực, phù hợp với diễn biến điều hành tiền tệ và lạm phát, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền, các TCTD và DN”, Thống đốc nhấn mạnh.

Thống đốc khẳng định NHNN luôn thận trọng trong những thay đổi về tỷ giá bởi nó sẽ tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế, như lạm phát, sự ổn định vĩ mô, vay trả nợ nước ngoài, niềm tin vào giá trị của VND cũng như các hoạt động của DN XNK.

Giai đoạn 2016 đến đầu năm 2017, công tác điều hành tỷ giá đã gặp nhiều khó khăn do những biến động mạnh về chính trị trên thế giới. Trong nước, nhập siêu tăng cao đã kéo theo các yếu tố đầu cơ và kỳ vọng sự gia tăng của tỷ giá. Tuy nhiên, với việc chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, tỷ giá bình quân năm 2016 chỉ tăng khoảng 1,1-1,2%. Thị trường ngoại hối trong nước hết sức ổn định, góp phần ổn định vĩ mô, giúp cho các DN không còn lo lắng về rủi ro tỷ giá, tạo niềm tin cho các NĐT và DN. Cũng thời gian đó, NHNN đã mua một lượng ngoại tệ rất lớn để tăng dự trữ ngoại tệ ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Thống đốc khẳng định sẽ không để tỷ giá biến động, gây bất ổn trên thị trường, đảm bảo hài hòa giữa các nhà xuấ khẩu – nhập khẩu, đảm bảo việ vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ. Đặc biệt sẽ xem xét cho vay ngoại tệ kỳ hạn ngắn ở mức hợp lý, hỗ trợ cho DN.

Thống đốc cho rằng việc quan trọng nhất trong hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua là sự kiên định của Chính phủ và sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý. Kết quả tích cực từ sự điều hành này là yếu tố rất quan trọng để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, là điểm then chốt trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đây cũng là điểm quan trọng để vừa qua Tổ chức đánh giá xếp hạng Moody’s nâng xếp hạng Việt Nam từ ổn định lên tích cực. Việc nâng hạng này cũng như sự đánh giá cao của các tổ chức quốc tế thời gian qua xuất phát từ quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo lập nền tảng cho sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho DN phát triển.

Theo Nguyễn Tuân (Infonet)

Gửi bình luận của bạn

Đăng nhập để bình luận
ĐỐI TÁC

Bạn đang xem T085 của webtructuyen.vn. Bạn có thể khám phá thêm!!!
Xem ngay

Facebook