Sữa bột trẻ em đua tăng giá?
"Nổ" phát súng tăng giá đầu tiên là Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam tiến hành điều chỉnh 26 dòng sản phẩm công ty đang sản xuất từ ngày 15/3/2018. Mức điều chỉnh trong phạm vi 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó. Tiếp đến là Công ty TNHH Nestle Việt Nam thông báo tăng giá đồng loạt với 11 sản phẩm sữa bột từ 1/5/2018. Một số sản phẩm của công ty được định giá rất cao, như một hộp Nan optipro HA 2 loại 800 gam giá tới 530 nghìn đồng; Nan optipro HA 3 giá 448 nghìn đồng/hộp 800 gam.
Một số hãng sữa thay vì tăng giá thì thay đổi tên và độ tuổi sử dụng các sản phẩm như Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam. Ngoài ra, đơn vị phân phối sản phẩm sữa Abbott này cũng đồng loạt tăng giá 10 loại sản phẩm. Ví như mức giá mới của Similac IQ 2 (HMO) hộp 900 gam hộp thiếc lên tới 572 nghìn đồng; sữa Similac IQ 4 (HMO) hộp thiếc 1,7 kg giá tới 805 nghìn đồng. Mức giá mới này được áp dụng từ ngày 24/5/2018.
Để tránh phải kê khai giá, một số công ty khác lại lách bằng cách bỏ mẫu cũ và ra sản phẩm mới. Ví như Công ty Nestle Việt Nam vừa công bố ra mắt hai sản phẩm mới là Nan Supreme 1,2 từ ngày 1/6/2018 với mức giá khá cao so với mặt bằng chung thị trường cùng phân khúc.
Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood từ 1/7/2018 cũng liên tiếp cho ra mắt 2 dòng sản phẩm mới là Riso Opti Gold 3 và Riso Opti Gold 4 với mức giá cao ngất ngưởng, lần lượt là 392 nghìn đồng và 355 nghìn đồng/hộp 900 gam.
Cũng theo cách này, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) vừa thông báo giá đối với sản phẩm mới là Enfamil Premium Infant Formula (dành cho trẻ từ 0 đến 12 tháng tuổi) và Enfagrow Premium Toddler Next Step (dành cho trẻ từ 1- 3 tuổi), áp dụng từ ngày 21/7/2018. Mức giá công bố lần lượt là 585 nghìn đồng và 555 nghìn đồng/hộp.
Mới đây nhất là thông báo điều chỉnh giá của "ông lớn" Vinamilk. Theo đó, kể từ ngày 20/7 bốn dòng sản phẩm sữa bột trẻ em Optimum Gold 1, Optimum Gold 2, Optimum Gold 3, Optimum Gold 4 của Vinamilk tăng giá mỗi sản phẩm từ 10.000 đồng đến khoảng 20.000 đồng/hộp thiếc, mức tăng giá sữa trong phạm vi 5%.
Nguyên nhân tăng giá được các doanh nghiệp giải thích là do chi phí sản xuất đầu vào tăng, như giá nguyên liệu thế giới tăng từ 12- 20%, tỷ giá ngoại tệ, chi phí nhân công tăng,....
Việc quản lý giá sữa được cho là khá lúng túng bởi trước đây Bộ Tài chính từng áp giá trần đối với sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sau đó phải hủy bỏ quy định này. Việc quản lý giá sữa được chuyển từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sang Bộ Công Thương từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, nếu không có sự kiểm tra, giám sát việc kê khai cấu thành giá thì dư luận lo ngại một cuộc đua tăng giá sữa bắt đầu mà người tiêu dùng, nhất là trẻ em phải gánh chịu.
Theo Hà Nhân
Tiền phong
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận