Người kế thừa bài thuốc thần kỳ trị tai biến của Thái y triều Lê
Khôi phục bài thuốc quý
Đúng ngày mùng 1 âm lịch, liên lạc với lương y Nguyễn Quý Thanh, chị bảo, đang ở Bắc Giang, và gọi tôi lên gặp. Thi thoảng, có thời gian, vào ngày rằm, mùng 1, chị lại về quê tổ ở xã Mai Đình (Hiệp Hòa, Bắc Giang), thắp hương trên phần mộ tổ tiên, là Thái y Nguyễn Quý Thành, tổ đời thứ 7 của chị. Bên ngôi mộ cổ, chị tự hào kể về dòng họ mình.
Ông tổ đời thứ 10 dòng họ Nguyễn Quý, là cụ Nguyễn Thuần. Cụ Thuần quê ở Đức Trạch, Thường Tín, Hà Nội. Theo gia phả dòng họ, thì trước đó nhiều đời đã làm thuốc và đến đời cụ Thuần thì nổi trội. Tổng số dòng họ, có tới 20 vị được phong “Danh y bí dược”. Thế kỷ 17, quan Tổng trấn Kinh Bắc nằm liệt, chữa trị khắp nơi không khỏi. Các thầy lang khi đó khám chữa đều bảo ông bị thiên đầu thống. Thế nhưng, cụ Thuần chẩn mạch, bảo bị trúng phong. Cụ điều trị, 7 ngày sau thì quan Tổng trấn đi lại được. Quan Tổng trấn dắt cụ vào kinh thành gặp vua kể lại sự tình kỳ lạ. Cụ Quý Thuần bảo, dùng bài thuốc An cung gia truyền cứu quan Tổng trấn. Vua nghe vậy, liền nói với cụ Thuần và các quan: “Khanh giữ phương (phương thuốc) này để cứu đời, truyền lại cho con cháu mai sau. Ta cấm các thượng khanh y lý mang làm của riêng mình. Nếu xâm phạm ta cho khanh tùy ý”.
Khi đó, hoàng hậu bị sa bàn tràng, cụ dùng ngải cứu điều trị khỏi. Vua quý mến, giữ lại trong triều, ban cho chữ Quý, để con cái sau này được phú quý. Theo gia phả, cụ Nguyễn Quý Thuần thọ tới 115 tuổi. Khi chết, vua thương xót, phong cho chức Thái y, nên trong gia phả ghi là Cố Thái y Nguyễn Quý Thuần. Ông được chôn ở ngoại thành Thăng Long, cánh đồng Ngô Sài, Từ Liêm.
Gia phả dòng họ Nguyễn Quý
Cụ Nguyễn Quý Thuần sinh ra Thái y Nguyễn Quý Khuê. Cụ Khuê cũng đã dùng bài thuốc An cung cứu Thái tử. Thái tử uống rượu nhiều, trúng gió, nằm liệt, uống thuốc của cụ Khuê bình phục hoàn toàn. Cụ Khuê cũng được tiến cử phục vụ vua. Chết an táng tại quê nhà Quất Động, Thường Tín.
Cụ Khuê sinh được hai thầy lang nổi tiếng, là Nguyễn Quý Thành và Nguyễn Quý Sán. Cụ Thành là Thái y triều Lê và cụ Sán là Trưởng nội y. Cụ Sán lập ra chi ở Đông Anh, làm thuốc rất nổi tiếng. Cụ Thành lập ra chi ở Bắc Giang. Tuy nhiên, con cháu cụ Thành chỉ lác đác có người làm thuốc, không có ai nổi bật.
Chị Nguyễn Quý Thanh sinh năm 1956, ở làng Mai Đình, nơi ông tổ Quý Thành 7 đời trước về sinh cư. Bố làm cách mạng. Năm 1957, khi mới 1 tuổi, Bác Hồ về thăm, bế bé Thanh trên tay, khen là đứa bé thông minh, nhưng sau này lận đận. Năm 1960, bố mẹ đi xây dựng kinh tế mới ở Thái Nguyên. Chị có tới 8 anh chị em. Năm 1965, bố mất, Thanh sớm phải tần tảo cùng mẹ gánh vác gia đình, nuôi dạy các em. Chục tuổi đầu, suốt ngày lăn lộn ngoài đồng mò cua bắt ốc. Năm 1980 đi học sư phạm, rồi làm giáo viên ở Đồng Hỷ. Lấy chồng, bữa đói bữa no, phải đi rừng lấy củi, bán lòng lợn nuôi con.
Năm 1990, khi đi xe đạp, một chiếc xe máy tông vào, chị ngã mạnh, chấn thương cột sống, bại liệt. Nhà nghèo, bệnh nặng, bệnh viện cho về, nằm liệt ở nhà chỉ nghĩa đến cái chết. Nghĩ không còn đi dạy học được nữa, chị bảo con cả mang chồng giáo án đến bên giường rồi châm lửa đốt. Chị tính, đốt hết giáo án, rồi buông xuôi. Bỗng nhiên, chị phát hiện thấy cuốn sách có tên: “Gia đạo truyền”, của bố chồng. Cuốn sách rất cổ, đã ố vàng, màu xỉn, dán bằng nhựa cây, các trang giấy đã mục giòn, chữ nhòe nhoẹt. Đọc cuốn sách, nuốt từng lời. Thuộc làu bài thuốc chữa gãy xương, chị gọi chị dâu đến bên giường hỏi: “Chị thương em thì đi lấy thuốc giúp em”. Theo chỉ dẫn, người chị dâu đi lấy thuốc, rồi chế biến theo hướng dẫn trong sách, bó thuốc suốt từ cổ xuống chân. Cứ ngày thay thuốc, thay băng mấy lần. Điều kỳ diệu đã xảy ra, từ người nằm liệt, chị Thanh đã đứng dậy, tập đi, rồi khỏe lại bình thường, mang vác 60kg như mọi người.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà lưu niệm cho lương y Nguyễn Quý Thanh
13 năm trước, bố chồng chị Thanh bị tai biến mạch máu não, rồi qua đời. Trước khi chết, ông nắm tay con dâu bảo: “Con ơi, làm gì thì làm, nhưng không có gì bằng y đức con ạ!”. Câu nói và ánh mắt của bố chồng trước lúc chết khiến chị Thanh ám ảnh. Nhớ lại ngày ấy cùng việc tìm lại được quyển sách quý, chị bỏ nghề giáo, cứ đi khắp nơi hái thuốc, bó thuốc miễn phí cho những người gãy xương. Chị chữa bệnh nhưng không lấy tiền. Chữa khỏi bệnh thì người cho con gà, người cho cân gạo. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn vất vả.
Cũng từ thời điểm đó, thế giới tâm linh huyền bí khai mở trong đầu chị. Hàng đêm, vừa nhắm mắt, thì người anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp cứ “hiện” về trong giấc mơ, dặn dò chị nên tìm học những bài thuốc của tổ tiên. Từ đó chị có quyết tâm đi học để có thêm kiến thức. Năm 2003, khi đã 50 tuổi chị có trong tay Chứng chỉ chuẩn hóa lương y đa khoa do trường Đại học Y Dược Thái Nguyên cấp.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tặng quà lưu niệm cho lương y Nguyễn Quý Thanh
Tin vào giấc mơ, chị tìm về Bắc Giang, nghiên cứu gia phả của gia tộc một cách tỷ mỉ. Từ tên các cây thuốc, gồm cả tên Hán Việt và tên dân tộc, rồi mô tả cây thuốc, chị về các vùng núi, cùng các thầy lang dân tộc nhanh chóng tìm ra. Những cây thuốc quý trong bài thuốc An cung diệu dược được chị tìm thấy đầu tiên ở Bắc Kạn, là cây mạy tèo, thiên trúc hoàng, sằn sá mộc… Những loại cây này bám trên vách đá cheo leo. Củ sằn sá mộc to như quả dừa bám trên vách đá. Từ củ thuốc đó, một cái dây leo bằng ngón tay mọc ra. Dây leo mọc rễ, hút dinh dưỡng nuôi cái củ kỳ quặc đó. Người dân vùng cao gọi nó là sằn sá mộc, nhưng các ông lang gọi là ô rô núi ruột đỏ. Đây là những vị thảo dược chính trong bài thuốc An cung mà các Thái y dòng họ Nguyễn Quý sử dụng.
Cụ tổ Nguyễn Quý Thuần đặt tên bài thuốc chủ đạo làm nên tên tuổi dòng họ là An cung diệu dược nay là An cung trúc hoàn.
Vừa học thuốc từ những cuốn sách cổ của dòng họ, chị Thanh vừa bốc thuốc cứu người. Bài thuốc An cung trúc hoàn cứu được cả ngàn người tai biến mạch máu não qua cơn thập tử nhất sinh, khiến tên tuổi chị gây chú ý đến các nhà nghiên cứu, các y bác sĩ. Được sự giúp đỡ của các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, chị đã thành lập Trung tâm phát triển y học cổ truyền Việt Thanh quy tụ 13 lương y, bác sĩ, tiến sĩ dược cùng nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện các bài thuốc của dòng họ Nguyễn Quý.
Cứu cả ngàn người khỏi bàn tay tử thần
Năm 2000, cậu học trò năm thứ 2 Đại học Nông lâm Thái Nguyên, tên là Lý Văn Ba, quê ở Phủ Thông (Bắc Kạn), đi xe máy lao vào cột điện, chấn thương sọ não. Nằm ở Bệnh viện Thái Nguyên một thời gian, thì bệnh viện chuyển xuống Việt Đức để mổ não. Tuy nhiên, gia đình còn chần chừ, vì không có tiền. Bác sĩ Cổ Thị Lái thấy hoàn cảnh khó khăn, gọi chị Thanh đến xem xét. Khi đó, Ba nói lảm nhảm, tay chân quờ quạng không định hướng được. Thấy nhà Ba nghèo quá, nên chị tặng chai thuốc An cung trúc hoàn, rồi trực tiếp cho uống, hướng dẫn bà mẹ cho Ba uống hàng ngày. Uống thuốc lúc 9 giờ tối, đến 7 giờ sáng, bà mẹ cầm chiếc khăn mùi xoa đưa cho chị Thanh bảo rằng, từ khi uống thuốc, những cục máu cứ đùn ra đằng mũi. Chị Thanh biết rằng thuốc hấp thụ tốt, đẩy máu đông từ não ra đường mũi nên sẽ biến chuyển tốt. Hôm sau, chị Thanh vào thăm, cậu sinh viên này ôm chầm lấy chị Thanh khóc. Sau đó, Ba uống thuốc đều, không phải mổ nữa, và thời gian ngắn sau thì nhập học bình thường.
Năm 2009, ông Lý Quý Sông, vốn là cán bộ Sở Giáo dục Đào tạo Thái Nguyên, 78 tuổi, xóm Gò Cao (Hóa Thượng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên), bị huyết áp cao, đi xe đạp, ngã gãy mấu chuyển lớn (xương khớp háng). Đi viện điều trị mãi, rồi bệnh viện trả về. Biết tiếng tăm chị Thanh, con ông Sông đến gặp, nhờ chị xem bệnh. Chị bước vào nhà, suýt nôn ói vì mùi thịt thối bốc lên tanh nồng. Một chân của ông Sông đã hoại tử, sưng gấp đôi, nhiều chỗ đen sì, rỉ nước màu vàng. Ông Sông không nói được nữa, nhưng vẫn nghe được. Nhìn ông Sông, chị biết là bị tai biến mạch máu não. Đo huyết áp thấy cao vọt. Con cái muốn đưa ông đi cưa chân, nhưng ông không nghe, muốn “sống nguyên vẹn, thì chết nguyên vẹn”. Chị Thanh cho uống thuốc, ngày đầu tiên ông Sông đã thấy dễ chịu. 7 ngày sau thì nói chuyện được. 1 tháng sau ngồi dậy được và 3 tháng sau thì tập đi và trở lại cuộc sống bình thường.
Năm 2014, ông Nguyễn Văn Dần, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Thái Nguyên, là anh trai một vị lãnh đạo cấp cao của Sở Y tế Thái Nguyên bị tai biến mạch máu não rất nặng. Đưa vào Bệnh viện Thái Nguyên và bệnh viện viết giấy chuyển xuống Hà Nội. Người anh là lãnh đạo Sở Y tế Thái Nguyên gọi điện cho chị Thanh. Sau khi mô tả tình trạng, thấy huyết áp quá cao, thì chị Thanh bảo không vội chuyển đi, vì có thể chết trên đường đi. Chị bảo mọi người dùng kim chọc các đầu ngón tay và dái tai, nặn ra 1 giọt máu. Khi nặn ra được máu, thì chị bảo chuyển xuống Hà Nội. Điều trị ở Việt Đức 1 tuần, thì gia đình lại gọi chị Thanh báo rằng anh Dần quá yếu, tiểu tiện cả ra máu tươi, liệt nửa người. Chị Thanh bảo khi nào bệnh viện chào thua, thì đưa anh Dần về. Không còn cách nào khác, gia đình đưa anh Dần về nhà.
Lúc chị Thanh đến nhà, người đàn ông to béo khi xưa chỉ còn 45kg. Chị Thanh cho uống thuốc, bắt uống nhiều nước. Uống thuốc rồi, ông Dần đi tiểu vẫn ra máu, nhưng máu ít dần, chỉ hơi có chút màu hồng. Thời gian sau thì nước tiểu không lẫn máu. Vài ngày sau thì ngồi dậy, rồi tập đi. Giờ thì anh Dần khỏe hơn cả hồi chưa bị tai biến mạch máu não, vì uống thuốc rất đều đặn.
Trường hợp khá đặc biệt, là ông Trịnh Thúc Nghi, 68 tuổi, số nhà 27, ngõ 101, Thanh Nhàn, Hà Nội, chuyên viên cao cấp thuộc Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam, bị tai biến mạch máu não tới 4 lần, huyết áp rất cao. Con trai ông là Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe y tế cộng đồng, đã đưa bố sang Mỹ để mổ. Các bác sĩ đã tiến hành mổ, nhưng khâu lại, vì các mạch máu bị đông.
Về lại Việt Nam, các bác sĩ bảo phải mổ, nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. Ông Nghi đồng ý mổ, nhưng các bác sĩ lại từ chối. Người con trai gọi cho chị Thanh, mời chị xuống Hà Nội. Chị Thanh xuống, thấy ông Nghi uống tới 15 loại thuốc để cầm cự. Giọng nói méo mó. Chị khám, rồi bớt đi 1 nửa số thuốc và cho uống An cung trúc hoàn. Uống thuốc đều đặn, 2 tháng sau ông Nghi đi lại dễ dàng, giọng nói được cải thiện rõ, chứ không méo mó như trước nữa. Giờ ông đi lại, ăn ngủ bình thường, minh mẫn hơn xưa.
Một trường hợp vô cùng đặc biệt, được lương y Nguyễn Quý Thanh cướp lại từ bàn tay tử thần, là ông Nông Viết Chương, 57 tuổi, ở xóm Phúc Lộc (xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên). Ông Chương đột nhiên bị tai biến mạch máu não vào năm 2011. Gia đình đưa về Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên cấp cứu. Sau khi khám xét, chiếu chụp, các bác sĩ kết luận đã đứt hết mạch máu não, trào máu hai bán cầu não, và trả về để lo hậu sự.
Đưa ông Chương về nhà, đại gia đình họp mặt, phân chia công việc, người lo dựng rạp, người đi sắm quan tài, mua khăn tang, bắt lợn, tìm đội kèn trống… Ông bố vợ là thầy cúng, bấm giờ và bảo 5 giờ chiều là giờ đẹp, nên gia đình thống nhất sẽ rút ống thở sau 1 tiếng nữa. Lúc đó, một người trong xóm bảo rằng, gia đình có người bị tai biến mạch máu não, được lương y Thanh cứu, nên cho số điện thoại. Còn nước còn tát, con trai ông Chương đã gọi cho chị Thanh. Khi đó, chị Thanh đang trên đường từ nhà máy bào chế thuốc dưới Thái Bình lên. Con trai ông bảo bảo bụng bố đã trướng to, máu chảy ra đằng mũi, miệng. Chị Thanh yêu cầu dùng kim chọc vào 10 đầu ngón tay và 2 dái tai, rồi nặn ra một giọt máu tươi. Mọi người chọc đủ 12 điểm, thì được 5 điểm nặn ra được máu. Chỉ cần nặn đầu ngón tay hoặc dái tai vẫn ra máu tươi, thì vẫn có cơ may cứu được, nên qua điện thoại, chị Thanh yêu cầu mọi người không được rút ống thở. Vừa đến Thái Nguyên, chị về thẳng nhà ông Chương.
Vừa gặp, vợ ông Chương đã khóc tu tu: “Gia đình xác định anh ấy không qua được, nên đã chuẩn bị hậu sự hết rồi, chỉ còn chờ kéo quan tài về nữa thôi. Nhưng còn nước còn tát, chị xem có cách nào cứu chồng em với, còn cứu không được thì là số phận rồi”. Chị Thanh mang thuốc đến, nhưng miệng ông Chương đã cứng lại, không cạy ra được để đổ thuốc. Chị vời một thanh niên cao to, bấm vào huyệt cự cốt ở cổ, thì miệng há ra. Chị pha 1 thìa canh thuốc cao đặc, với 1 thìa nước, rồi đổ vào miệng ông Chương. Lúc cạy miệng đổ thuốc, thì mắt trợn ngược, nhưng khi đổ thuốc được chừng 20 phút, thì mắt nhắm lại, rồi chớp chớp được, người cựa quậy nhè nhẹ. Chị Thanh để lại lọ thuốc và dặn mọi người, cứ 2 tiếng lại cho uống một lần. Đến 5 giờ sáng thì gọi lại cho chị để thông báo kết quả.
Thế nhưng, gần về sáng, bỗng nhiên ông Chương bật dậy, ngồi chồm hỗm trên giường, mặt mũi ngáo ngơ. Nhiều người sợ quá, tưởng ma nhập xác liền bỏ chạy. Ông Chương kêu: “Đói quá, có gì cho tôi ăn không?”. Trong nhà không có gì, tìm mãi thấy gói cháo dinh dưỡng của cháu nội. Nấu bát cháo, mang lên, còn nóng giãy, chẳng kịp chờ nguội, ông Chương đưa lên miệng húp một hơi hết sạch, rồi lại đòi ăn tiếp. Còn mỗi gói cháo nữa, mọi người nấu tiếp cho ông ăn. Đúng lúc đó, con gái gọi điện cho chị Thanh thông báo kết quả và bảo ông Chương đang giãy đạp đòi đi lại. Chị Thanh bảo mọi người phải trói lại, bởi đang tai biến mạch máu não, nếu đi lại, dẫm chân xuống đất sẽ dễ bị “đoạn căn”, khó đi lại được.
Uống thuốc đều đặn, 20 ngày sau, ông Chương bình phục, đi lại được như bình thường. Chị Thanh lên nhà kiểm tra, thấy đi vo gạo nấu cơm, nhưng không đổ nước, nên biết là trí tuệ chưa hồi phục hoàn toàn. Thêm một tháng uống thuốc nữa, thì não hoàn toàn hồi phục, sức khỏe thậm chí tốt hơn trước. Sau 6 tháng ra đồng thấy vợ cày cuốc liền bảo vợ rằng “Bu mày nghỉ đi để tao cày cho”, không có dấu hiệu gì của tai biến mạch máu não.
Sau vụ cứu ông Chương từ cõi chết trở về, có đến gần chục người quanh xóm bị tai biến mạch máu não được lương y Nguyễn Quý Thanh cứu mạng…
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận