Lý do nguy hiểm khiến đa số bệnh nhân ung thư phổi đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn
Ngày càng nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn
Trường hợp của diễn viên Mai Phương – 33 tuổi bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi đã di căn vào xương không phải là hiếm với căn bệnh ung thư phổi. Tại các bệnh viện ung bướu, bác sĩ gặp thường xuyên những ca bệnh như thế này.
Anh Nguyễn Văn Út – 43 tuổi, quê Hoà Bình được chẩn đoán gãy xương bệnh lý. Và khi tìm nguyên nhân, các bác sĩ phát hiện anh Út bị ung thư phổi di căn sang xương và gây ra hiện tượng gãy xương bệnh lý. Trước đó, anh Út hầu như không có triệu chứng gì.
Theo chị Mai Thị Nhưng, vợ anh Út, tháng trước anh Út bị ngã xe. Cú ngã xe rất đơn giản, tưởng chỉ đau phần mềm, nhưng anh lại bị gãy xương. Tình trạng xương không thể cố định lại vì có hiện tượng "gãy tự nhiên".
Ung thư phổi là bệnh ung thư ác tính cao nhất.
Gia đình đưa anh xuống Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán gãy xương bệnh lý và phát hiện có một khối u ở phổi.
Trước khi bị tai nạn, anh Út có bị ho. Nhưng nghĩ do thời tiết nên anh đã uống thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, triệu chứng không đỡ. Thời gian từ khi ho cho đến lúc phát hiện bệnh chỉ hơn 10 ngày.
Hiện tại, anh và gia đình vẫn hi vọng có một phép màu sẽ đến. Anh vẫn điều trị phần xương và sống chung với khối u ở phổi. Tình trạng ho, khó thở càng nặng hơn.
Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng đầu ở nam, đứng thứ 3 ở nữ với 21.865 ca mới mắc, chiếm tỷ lệ 17,5%, số ca tử vong là 19.559 chiếm tỷ lệ 20,6%. Ung thư phổi chia làm 2 nhóm: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ, trong đó 80-85% là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, vì vậy tiên lượng ở các bệnh nhân ung thư phổi còn xấu.
Còn anh Bùi Văn Ch. ở Hạ Hoà, Phú Thọ nhập viện ở Bệnh viện K Hà Nội với triệu chứng ho, khó thở. Bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối, tràn dịch màng phổi.
Anh Ch. sinh năm 1984. Vợ anh cho biết trước đó anh vẫn đi làm khoẻ mạnh không có dấu hiệu của bệnh. Trước khi nhập viện vài ngày, anh mới bị đau ngực, sốt, mệt mỏi.
Gia đình nghĩ anh chỉ cảm cúm nên mua thuốc về uống và đến khi đi khám bác sĩ kết luận ung thư phổi. Bệnh đã ở giai đoạn muộn vì khối u chèn ép thần kinh, bít tắc đường hô hấp.
Vì sao ung thư phổi lại khó phát hiện?
Tiến sĩ-bác sĩ Hoàng Đình Chân.
TS Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến, xuất hiện từ rất lâu nhưng gần đây bệnh đang tăng và trẻ hoá.
Trước kia, bệnh chủ yếu được phát hiện ở những người trên 40 tuổi thì đến nay, bệnh nhân dưới 40 tuổi đã xuất hiện nhiều. Đặc biệt, do yếu tố địa dư, môi trường nên tỷ lệ những người thành thị bị ung thư phổi cao gấp 5 lần so với những người sống ở nông thôn.
Theo TS Chân, ung thư phổi là bệnh ung thư có độ ác tính cao, bệnh nhân phát hiện đều ở giai đoạn muộn, y học không can thiệp được nhiều nên người ta thường e sợ ung thư phổi vì lẽ đó.
Khác với các bệnh ung thư khác, dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn sớm không có. Khối u nằm sâu, tồn tại trong phổi hàng chục năm và âm thầm phát triển. Khi xuất hiện triệu chứng ho, đau tức ngực , khó thở, mệt mỏi, sụt cân lúc này khối u đã to và bệnh đã muộn.
Khác với các bệnh ung thư ở vùng khác là bệnh nhân có thể sờ thấy, nắn được u hoặc thấy thay đổi các dấu hiệu báo rõ hơn, còn với ung thư phổi thì không.
TS Chân cho biết ung thư phổi có hai loại, bao gồm ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Loại ung thư phổi tế bào nhỏ nguy hiểm hơn và các bệnh nhân mắc ung thư này chiếm số nhỏ nhưng đa số họ đều không sống qua được 9 tháng vì bệnh chỉ tiến hành hoá trị, xạ trị, không điều trị đích.
Còn với bệnh nhân ung thư không tế bào nhỏ, tỷ lệ sống trên 3 năm cao hơn. Nhưng so với các bệnh lý ung thư khác, tỷ lệ sống trên 5 năm của loại bệnh này vẫn rất hiếm hoi.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, ung thư phổi nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sống khoẻ đến nay. Những bệnh nhân may mắn phát hiện sớm đều là tình cờ đi khám sức khoẻ chụp Xquang phổi thấy có dấu hiệu lạ và làm các xét nghiệm tìm tế bào ung thư phổi trong đờm, dịch màng phổi, dịch rửa phế quản.
Ngoài ra, bác sĩ có thể làm thêm xét nghiệm cận lâm sàng khác như chụp PET/CT, sinh thiết tổn thương chẩn đoán mô bệnh học, xạ hình xương…
TS Chân cho biết cách phòng bệnh ung thư phổi tốt nhất là không hút thuốc lá, chế độ sinh hoạt ăn uống, làm việc hợp lý. Khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm ung thư phổi.
Theo Tiểu Nhã
Trí thức trẻ
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận