Liên tục ra hàng mới, ô tô nội giảm giá trăm triệu

Thị trường lớn

Mitsubishi Việt Nam đã tiến hành lắp ráp mẫu xe Outlander, thay cho nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản. Đây là hướng đi được DN lựa chọn, để mở rộng và phát triển sản xuất ô tô tại Việt Nam từ năm 2018.

Mitsubishi dự kiến đầu tư hơn 200 triệu USD vào nhà máy tại Bình Dương và kêu gọi 1 số DN nước ngoài đầu tư vào sản xuất linh kiện tại đây, để đạt tỷ lệ nội địa hóa 40% trong thời gian tới.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 2.385 USD. Khi thu nhập bình quân đầu người đạt mức 2.000 USD, cũng là thời điểm bắt đầu giai đoạn ô tô hóa (monorization).Với dân số hơn 93 triệu người và thu nhập bình quân tiếp tục tăng, Việt Nam đang nằm trong tầm ngắm của các thương hiệu ô tô lớn trên thế giới.

xuất khẩu ô tô, ô tô nội, Nghị định 116, ô tô giảm giá

xuất khẩu ô tô, ô tô nội, Nghị định 116, ô tô giảm giá

Thời gian tới, có lẽ sẽ có thêm “ông lớn” trong lĩnh vực ô tô đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam. Nguồn tin trong giới kinh doanh cho biết, một liên doanh ô tô giữa Trung Quốc và thương hiệu lớn của châu Âu, có nhà máy ở Thượng Hải, đang dự định đầu tư vào sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam, với số vốn có thể lên tới 1 tỷ USD.

Theo nguồn tin trên, hiện các chính sách phát triển công nghiệp ô tô khá hấp dẫn, trong khi thị trường tiềm năng lớn và mở ra cơ hội xuất khẩu vào ASEAN, là động lực thúc đẩy nhà đầu tư này có ý định xây dựng nhà máy tại Việt Nam.

Thương hiệu này, đến nay vẫn chưa có cở sở nào tại Đông Nam Á. Đầu tư vào Việt Nam, sẽ phát triển những mẫu xe mới, chưa có trong khu vực, đạt tiêu chuẩn châu Âu, nhưng có giá rẻ hơn xe nhập khẩu, cạnh tranh với các thương hiệu khác.

Hiện tại, Việt Nam có 3 DN là Trường Hải, Hyundai Thành Công và Vinfast, đang đầu tư lớn cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Cùng với  Mitsubishi, Toyota và sắp tới thêm 1 số DN khác nhập cuộc, chắc chắn ngành công nghiệp ô tô sẽ sôi động.

Ông Kenichi Horinouchi, Tổng giám đốc Mitsubishi Motors Việt Nam cho biết, Việt Nam đang vươn lên thành thị trường ô tô lớn tại Đông Nam Á. Đây chính là lý do khiến Mitsubishi Motors quyết định tăng đầu tư, mở rộng nhà máy, phát triển thêm các đại lý bán hàng, lắp ráp thêm các mẫu xe, để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đầu tư vào sản xuất lắp ráp tại Việt Nam vẫn có lợi thế, nếu có hướng đi phù hợp. Đó là sản xuất, lắp ráp những sản phẩm chưa được phát triển tại Đông Nam Á, để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.  

Giá giảm mạnh

Từ năm 2018 sẽ hứa hẹn những sự đột phá ấn tượng trên thị trường ô tô về doanh số bán. Việt Nam sẽ vượt qua Malaysia để vươn lên vị trị thứ 4 tại khu vực, sau Thái Lan, Indonesia và Philippines. Về lâu dài thì rất tiềm năng. Ước tính thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt doanh số khoảng 12 tỷ USD vào năm 2030.

Vì vậy, sẽ là sai lầm khi bỏ qua thị trường này, trong khi xe nhập khẩu gặp khó khăn, ngược lại xe sản xuất lắp ráp trong nước lại có rất nhiều lợi thế, đại diện Mitsubishi Việt Nam nhận định.

So với phiên bản nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, giá bán của Mitsubishi Outlander lắp ráp tại Việt Nam giảm từ 167 -181 triệu đồng, nhờ chênh lệch giữa thuế nhập khẩu bộ linh kiện và thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc. Vì vậy đã tạo ra sản phẩm có giá bán cạnh tranh trong phân khúc SUV 5+2 hiện nay.

xuất khẩu ô tô, ô tô nội, Nghị định 116, ô tô giảm giá

Với quy định mới, từ 1/1/2018, các DN sản xuất láp ráp ô tô có quy mô sản lượng lớn sẽ được giảm thuế nhập khẩu tất cả các linh kiện về mức 0%. Điều này, đã giúp cho các DN, giảm giá bán lẻ sản phẩm sản xuất lắp ráp từ 12-15%.

Nếu các DN sản xuất lắp ráp ô tô được hưởng thêm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt mức 0% với phần linh kiện mua trong nước; các DN sản xuất linh kiện được giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào xuống mức 0% thì giá thành xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ giảm thấp. Giá xe trong nước sẽ rẻ hơn xe nhập khẩu, thu hút thêm các nhà đầu tư.

Cuối tháng 3/2018, Trường Hải sẽ khánh thành Nhà máy Mazda công suất 50.000 xe/năm. Cuối năm 2018 Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công với công suất 40.000 xe sẽ đi vào hoạt động. Cũng vào cuối năm 2018, Vinfast sẽ khánh thành Nhà máy ô tô giai đoạn 1, công suất 100.000 xe/năm, ra mắt  2 mẫu xe mới và nhận đơn đặt hàng từ đầu năm 2019.

Với diễn biến này, thị trường ô tô sẽ thay đổi. Xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ tăng trưởng mạnh cả quy mô lẫn sản lượng. Nguy cơ phụ thuộc vào nguồn ô tô nhập khẩu và gia tăng nhập siêu sẽ giảm nhiều.

Các DN cho biết, nhiều mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước với những công nghệ hiện đại sẽ xuất hiện, giá giảm, chất lượng phục vụ nâng cao và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Trần Thủy


Gửi bình luận của bạn

Đăng nhập để bình luận
ĐỐI TÁC

Bạn đang xem T085 của webtructuyen.vn. Bạn có thể khám phá thêm!!!
Xem ngay

Facebook