Không nên chủ quan với 'sốt đất ảo' tại các đặc khu
Thời gian qua, cùng với các thông tin về luật pháp và quy hoạch đưa ra trong kỳ họp Quốc hội, sốt ảo đất nền cũng xuất hiện tại ba khu hành chính - kinh tế đặc biệt (theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt). Trong đó, Phú Quốc là nơi ghi nhận sốt đất diễn ra nhiều nhất, tiếp đến là Vân Đồn, cuối cùng là Bắc Vân Phong.
Những cơn “sốt đất ảo” tại các đặc khu kinh tế có thể
gây hậu quả khôn lường. Ảnh: VOV.
Nhìn nhận về những cơn sốt đất tại ba đặc khu nói trên, giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Đặng Hùng Võ cho rằng, sốt ảo hay tích tụ bất động sản sẽ luôn luôn đưa tới hệ quả “vỡ bong bóng”. Khi đó, thị trường bất động sản sẽ chịu thiệt hại nặng nề do quán tính lớn và lập tức rơi vào trạng thái trầm lắng.
Để tránh những rủi ro, hệ lụy xấu cho người dân, cho thị trường bất động sản cũng như sự phát triển chung của địa phương thì phải nhận diện rõ thực trạng nói trên.
Theo ông Võ, sốt đất tại Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong đều theo một quy luật chung là sự tăng giá đất mạnh khi từ khu vực nông thôn chuyển thành đặc khu kinh tế, hành chính, khiến đô thị phát triển mạnh.
Giới đầu cơ đã lợi dụng quy luật này để "tự biên tự diễn" thông tin và đẩy giá tăng nhanh, chứ không còn tăng theo kiểu tuyến tính bình thường và chuyển sang tăng ảo. Thực tế, giá đất không thể đạt mức tăng cao bất thường và tạo ra cơn sốt đất như vậy. Tình trạng này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn nếu quản lý không chặt.
"Người dân bị kéo theo hiệu ứng đám đông, sẽ tạo thành điểm không hay đối với thị trường bất động sản nói riêng, cũng như tạo ra hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế nói chung của địa phương, đôi khi lan ra phạm vi cả nước", ông Võ khuyến cáo.
Số liệu thống kê, cho thấy bắt đầu từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam từng trải qua ba giai đoạn sốt ảo giá đất, đó là: giai đoạn 1990-1993; giai đoạn 2000-2003 và giai đoạn 2007-2008. Đáng chú ý, trong hai giai đoạn đầu, giá đất đều tăng lên mười lần nhưng sau đó không hề giảm.
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận