Đi lên từ cuộc sống đói nghèo, gây dựng cơ nghiệp bằng hai bàn tay trắng, 3 doanh nhân này đều có chung 1 quan điểm trong cách dạy con đáng để mọi người học hỏi
1. Ông Trần Quý Thanh – Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát
Sinh ra trong một gia đình khá giả song "cậu ấm" Trần Quý Thanh không được hưởng trọn vẹn tuổi thơ ấm no và tình yêu thương của cha mẹ. Khi Quý Thanh mới lên 9 tuổi thì mẹ mất. Lúc này, hai người con riêng của bà đã lập mưu hòng chiếm hết gia sản, thậm chí còn có ý định thủ tiêu cậu bé, buộc cha cậu là ông Trần Văn Bưởi phải gửi con trai mình vào cô nhi viện - cách khá xa Đà Lạt. Từ đó, cuộc đời Trần Quý Thanh đột ngột rẽ sang hướng khác, đầy khắc nghiệt và tủi buồn. Sau này, ông chủ Tân Hiệp phát chia sẻ, chính quãng thời gian ấu thơ sống trong đoạ đày đã tạo nên tính cách quyết liệt, mạnh mẽ, gai góc trong cả suy nghĩ và hành động của ông, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến quan điểm nuôi dạy con cái của người cha này.
"Những năm sống ở cô nhi viện đã khiến tôi hình thành tính cách là không đầu hàng, không bỏ cuộc và làm gì cũng phải đàng hoàng. Có lẽ vì những điều đó mà người ta gọi là "đại ca". Tôi cũng hay nói với các con là có vấn đề thì từ từ giải quyết, vấp ngã đứng dậy đi tiếp, chắc chắn sẽ tới. Ta chỉ thất bại khi nghĩ là làm không được và bỏ cuộc" - ông Thanh chia sẻ.
Thay vì để các con được sống trong nhung lụa, giàu sang, ông dạy họ đức tính tự lập, đúc rút kinh nghiệm và phấn đấu. Ông không ép, không "vẽ đường cho hươu chạy" mà tập cho con khả năng suy nghĩ, phân biệt đúng sai và có quyền tự quyết định cũng như chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, khi được hỏi về chuyện "khắc nghiệt với con cái", ông Thanh chia sẻ: "Cái nhìn của con cái là thấy khắc nghiệt còn cái nhìn của tôi khác. Tôi vẫn quan niệm là con người ta sinh ra không có năng lực gì cả. Năng lực là do đào tạo huấn luyện mà thôi, nên những người có năng lực rất cao chắc chắn phải rèn luyệt rất dữ. Trong quân đội người ta có câu là "sa trường đổ mồ hôi thì chiến trường bất đổ máu". Không rèn luyện làm sao một đứa thanh niên nhà giàu có thể đi bộ mấy chục km được, phải tập luyện thôi. Đưa vào môi trường rèn luyện hết mức thì con người ta mới phát huy được hết năng lực".
2. Bà Dương Thanh Thuỷ - Bà chủ tập đoàn Trung Thuỷ
Bà Dương Thanh Thuỷ cùng con trai Nguyễn Trung Tín và con dâu, Hoa hậu Đặng Thu Thảo.
Trước khi có cuộc sống giàu có, thành đạt, viên mãn ở hiện tại, bà Dương Thanh Thuỷ đã phải trải qua một chặng đường phấn đấu bền bỉ hơn bất cứ ai để giành được chỗ đứng vững chắc trên thương trường.
Vì nhà nghèo, cha mẹ lại mất sớm, ngay từ năm lên 6, bà Thuỷ đã phải sống cảnh "ở đợ" cho nhà người khác đến năm 16 tuổi. Nữ doanh nhân từng chia sẻ, bà rất biết ơn và hạnh phúc khi được trải qua thời gian đó vì nó đã rèn luyện cho bà tính chịu đựng, sự chu đáo và thôi thúc ý chí quyết tâm làm giàu. Sau khi lập gia đình và có con, nữ doanh nhân cũng "truyền lửa", nuôi dạy các con nên người khi rèn cho con tính tự lập, không ỷ lại.
Cuộc sống của gia đình bà Thuỷ khá giản dị và cởi mở. Bà không áp đặt hay quan thiệp quá mức vào đời sống riêng tư của con cái. Khi con trai Trung Tín đến tuổi trưởng thành, bà không ép con vào công ty của gia đình mà cho con có cơ hội bươn chải, tự tạo dựng sự nghiệp riêng trước khi về tiếp quản Tập đoàn Trung Thuỷ. Vị doanh nhân 31 tuổi phải bắt đầu bằng vị trí nhân viên marketing tập sự tại tập đoàn của gia đình. Hiện anh đã phát triển sự nghiệp của mình trong cả 4 lĩnh vực: dịch vụ, bất động sản, quỹ đầu tư, công nghệ và ngày càng thành công.
Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Thuỷ từng chia sẻ: "Điều may mắn của gia đình tôi là cháu không có suy nghĩ như những công tử nhà giàu, chỉ biết dựa vào tiền bạc, thế lực của gia đình để tự thỏa mãn bản thân. Cháu luôn nhớ lời nhắn nhủ của mẹ, chưa kiếm được 1 đồng thì đừng bao giờ nghĩ đến việc kiếm 10 đồng, tiền phải kiếm được bằng chính sức lao động và trong danh dự".
3. Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai
Cũng giống như hai vị doanh nhân kể trên, bầu Đức cũng có một tuổi thơ vất vả khi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Quá khốn khó, bữa ăn của gia đình ông khi xưa hiếm khi có sự xuất hiện của bát thịt, đĩa cá mà chỉ có cơm độn sắn, khoai. Cuộc sống ngày ngày dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, cái nắng cái gió làm cháy tóc sạm da càng khiến cho "cậu bé" ngày nào quyết tâm thoát nghèo, ước mơ một tương lai sẽ tậu được chiếc phi cơ cho riêng mình.
Lúc bấy giờ, ông Đoàn Nguyên Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi để hiện thực hoá giấc mơ của mình. Thế nhưng con đường học vấn không mỉm cười với ông khi 4 năm liên tiếp thi đại học đều thất bại. Không nhụt chí, chàng trai trẻ lúc bấy giờ quyết tâm "ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đó" và nhận ra rằng: "Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng". Chính nhận thức này đã tạo nên một bầu Đức thành đạt, giàu có như hôm nay và ảnh hưởng không nhỏ đến cách nuôi dạy con của vị doanh nhân tài ba.
Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức.
Trong một bài phỏng vấn cách đây nhiều năm, bầu Đức đã có những trải lòng về gia đình và con cái. Ba cậu quý tử nhà bầu Đức lần lượt là Đoàn Hoàng Anh, Đoàn Hoàng Nam và Đoàn Hoàng Nam Anh, tất cả đều đang học tập và làm việc tại Singapore. Cậu con trai cả được bố gửi tới nơi "đất khách quê người" từ năm 11 tuổi, hai người em thậm chí còn sớm hơn, 5 tuổi và 2 tuổi.
Ông cho biết bản thân quyết định cho các con sinh sống tại nước ngoài sớm như vậy là để rèn luyện tính tự lập cho bọn trẻ ở một môi trường hoàn toàn khác.
Ông chia sẻ: "Mình nghĩ điều quan trọng nhất để giáo dục con cái là môi trường. Môi trường ở đây là gia đình, là cộng đồng xã hội xung quanh. Với riêng gia đình mình thì cứ nghĩ xem, mang tiếng con đại gia thì đương nhiên sẽ gặp nhiều sự rủ rê, dụ dỗ. Đừng chủ quan nghĩ rằng, con mình sẽ vượt qua cạm bẫy. Con gái tôi kể: Bạn bè con nhiều đứa bảo chẳng cần vào đại học cũng giàu, như Bill Gates, như ông Đức. Nhưng các cháu không biết rằng cơ hội vẫn dành cho số đông đến từ chuyện học hành nghiêm túc.
Mà con nó đi học, ra đời, mình làm sao bám theo suốt được? Chính vì vậy, mình quyết định cho các cháu ra nước ngoài sống từ nhỏ. Ở đó, nó như mọi người bình thường khác, chẳng ai biết là con đại gia. Và mình đã chọn Singapore, vì dù sao đó cũng là một nước Á Đông, có môi trường tốt, kỷ luật, gần gũi với Việt Nam".
Theo Trí thức trẻ/Tổng hợp
Gửi bình luận của bạn
Đăng nhập để bình luận