Bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh cả về chất và lượng

Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam (bao gồm đất công nghiệp, nhà xưởng xây sẵn, nhà kho và các bất động sản hậu cần khác) vẫn đang trong giai đoạn mới phát triển với những đặc điểm cơ bản như sự cạnh tranh giữa các khu công nghiệp chủ yếu vẫn nằm ở yếu tố vị trí địa lý hơn là các yếu tố về tiêu chuẩn xây dựng, cơ sở hạ tầng nội khu hay chất lượng dịch vụ; khu công nghiệp và các bất động sản công nghiệp vẫn còn đang phát triển rải rác, chưa tập trung, chưa có một quy hoạch phân vùng phát triển rõ ràng; khách thuê bất động sản công nghiệp đến từ các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân lực lao động như dệt may, thực phẩm, đồ gỗ, nội thất và các sản phẩm từ cao su, nhựa. Tỷ lệ các ngành công nghiệp có giá trị thặng dư chưa nhiều.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh cả về chất và lượng
Trong tương lai, sự tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp tất yếu
dẫn đến sự phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam

Theo bà Trang Lê, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường Việt Nam của Jones lang lasalle, trong tương lai, sự tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp tất yếu dẫn đến sự phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam. Bởi trên thực tế, lĩnh vực công nghiệp Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố then chốt hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Trước hết, vị trí địa lý thuận lợi khiến Việt Nam tiếp cận được các tuyến đường biển thương mại quan trọng trên thế giới, mang đến những cơ hội lớn để phát triển giao thông hàng hải, đặc biệt cho các dịch vụ hậu cần. Ngoài ra, là quốc gia nằm sát Trung Quốc, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu tại Đông Nam Á cho những công ty tại Trung Quốc đang tìm kiếm địa điểm thay thế nhà máy/nhà xưởng của họ khi chi phí hoạt động đang không ngừng tăng cao tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo Brookings Institute, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng tầng lớp trung lưu cao nhất trong khu vực với chỉ số tăng trưởng hàng năm kép (“CAGR”) đạt 19% trong giai đoạn 2018-2020 và tăng 14% so với thập kỷ trước. Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng cho thấy Việt Nam đang sở hữu “cơ cấu dân số vàng” với độ tuổi lao động dao động từ 20 đến 50 tuổi, tuổi trung bình là 30 vào năm 2016. Độ tuổi vàng cùng với tăng trưởng thu nhập sẽ thúc đẩy sức mua và giúp Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Ngoài ra, những ưu đãi thuế quan và chi phí gia công thấp cũng là yếu tố khiến Việt Nam hút các công ty sản xuất và các chuỗi cung ứng nước ngoài. 

Tuy vẫn còn khá non trẻ nhưng trên thực tế ngành công nghiệp Việt Nam đang dần bắt kịp quy trình “tiến hóa” của thị trường công nghiệp. Nhu cầu về sản phẩm đang dần chuyển dịch từ sản phẩm cơ bản sang các sản phẩm có giá trị thặng dư. Từ một thị trường cần nhiều lao động thô cũng đang dịch chuyển sang một thị trường cần nhiều vốn và giá trị thặng dư. Thị trường công nghiệp đang thay đổi một cách tích cực, trở nên phức tạp hơn với nhiều loại hình sản phẩm, nhu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm ngành công nghiệp cũng sẽ khắt khe hơn.

Trên cơ sở đó, bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng tăng trưởng cả về chất và lượng. Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp sẽ tăng gấp đôi quy mô thị trường hiện tại. Do đó, theo các chuyên gia, cơ hội sở hữu quỹ đất để thâm nhập và phát triển trong lĩnh vực đầy tiềm năng này là rất lớn đối với cả nhà đầu tư hiện hữu và các nhà đầu tư tiềm năng trong tương lai.

Thúy An

(Theo Enternews.vn)

Gửi bình luận của bạn

Đăng nhập để bình luận
ĐỐI TÁC

Bạn đang xem T085 của webtructuyen.vn. Bạn có thể khám phá thêm!!!
Xem ngay

Facebook